Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Giao ban Thường trực Hội đồng nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ
Ngày cập nhật 07/08/2017

Ngày 4/8, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội nghị giao ban Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị do Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội  và Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Tại hội nghị lần này, Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) sẽ tập trung thảo luận chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh”.

Đây là một chủ đề rất được dư luận và cử tri quan tâm nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển cũng như để HĐND các tỉnh trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình và giám sát; đồng thời kiến nghị với cấp trên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND địa phương trong thời gian tới.

Nâng cao hoạt động chất vấn, giải trình

Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban công tác đại biểu cho biết, qua theo dõi hoạt động của HĐND trong thời gian qua cho thấy, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức, triển khai hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND theo đúng các quy định của pháp luật. Nội dung chất vấn, giải trình tập trung vào các vấn đề liên quan đến cuộc sống an sinh xã hội của người dân, việc thực hiện chính sách pháp luật của các cơ quan nhà nước. Qua chất vấn, giải trình, giúp cho HĐND đưa ra những quyết định quan trọng ở địa phương phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là quy định mới tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nên hiện nay cách thức tổ chức các hoạt động này có sự khác biệt giữa các địa phương. Hơn nữa, qua thực tiễn tổ chức kỳ họp HĐND của các địa phương cũng cho thấy số lượng đại biểu tham gia chất vấn chưa nhiều, chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện; nhiều vấn đề chưa được truy đến cùng để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục; nhiều đại biểu còn tâm lý e ngại, nể nang, né tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng chất vấn.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và trao đổi nhiều vấn đề trong hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND như: Việc lựa chọn các vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên họp của Thường trực HĐND; vai trò của cơ quan tham mưu giúp việc trong việc tập hợp chất vấn để đề xuất các nội dung chất vấn trực tiếp tại Hội trường; kiến thức và bản lĩnh của các đại biểu HĐND trong việc đặt các câu hỏi chất vấn; phương pháp điều hành của Chủ tọa kỳ họp tác động đến không khí và hiệu quả phiên họp chất vấn; việc mời người tham gia trả lời chất vấn phù hợp với các nội dung, phạm vi chất vấn liên quan đến nhiều cơ quan, chủ thể…

Để hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND có hiệu quả, các đại biểu dự hội nghị cho rằng quá trình thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân đối với các hoạt động chất vấn, giải trình hết sức quan trọng. Chất vấn là một hình thức giám sát, đồng thời phát hiện những bức xúc trong nhân dân để giải quyết. Qua chất vấn, giải trình giúp HĐND đưa ra những quyết định quan trọng ở địa phương phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân. Vì vậy, hoạt động chất vấn cần phải thu hút được sự tham gia của tất cả các đại biểu, nhất là các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm; nâng cao sự nghiêm túc, dám chịu trách nhiệm của người bị chất vấn và sự quan tâm của đông đảo cử tri cũng như việc giám sát, theo dõi việc giải quyết các vấn đề sau chất vấn, giải trình (hậu giám sát). Đặc biệt là, có các biện pháp, chế tài đối với các vấn đề đã chất vấn, yêu cầu giải trình nhưng chưa được giải quyết; việc đào tạo, bồi dường nâng cao kỹ năng tham gia chất vấn, giải trình của đại biểu HĐND...

Ông Phạm Thanh Sơn, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chất vấn là quyền năng pháp lý của đại biểu, để biến quyền năng thành hiện thực một mặt phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, tính tự giác của đại biểu, mặt khác phụ thuộc vào vai trò của thường trực HĐND trong việc giữ mối liên hệ với Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đại biểu phát huy được quyền năng của mình trong hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, chuẩn bị câu hỏi và tiến hành chất vấn.

Ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, việc đào tạo, bồi dưng nâng cao kỹ năng tham gia chất vấn, giải trình của đại biểu HĐND là rất quan trọng và cần thiết. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử tổ chức tấp huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND 2 cấp (tỉnh và huyện). Qua đó, số lượng và chất lượng các câu hỏi chất vấn đã tăng lên, nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm; kỹ năng chất vấn và tranh luận của đại biểu HĐND đã đi sâu vào từng vấn đề và nguyên tắc Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng trong việc điều hành phiên chất vấn là “Hỏi ai thì người đó trả lời”.

Thực hiện cam kết trong giải trình

Tại hội nghị, các tỉnh đã trao đổi rất nhiều kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân và phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Đồng thời đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành các quy định cụ thể hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; sớm tổ chức hội thảo về chuyên đề hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; có giải pháp khắc phục những khó khăn trong việc chế độ tiếp công dân của Thường trực HĐND, Chủ tịch HĐND, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh” và các ý kiến thảo luận với nhiều ý kiến cụ thể, tâm huyết cũng như  những sáng kiến và đề xuất cụ thể, thiết thực của các đại biểu tại hội nghị giao ban Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh, hoạt động chất vấn và giải trình là công cụ giám sát trực tiếp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Vì vậy, đề nghị HĐND và Thường trực HĐND các địa phương cần lựa chọn đúng vấn đề để đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp HĐND. Các nội dung chất vấn, các vấn đề giải trình phải là vấn đề bức xúc, có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế và việc thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Các đại biểu HĐND cần rèn luyện bản lĩnh, trách nhiệm trong chất vấn; các tỉnh nên ban hành các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để có căn cứ trong xem xét việc thực hiện các cam kết của các ngành sau phiên chất vấn; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.

Khi xem xét lựa chọn một vấn đề chất vấn, giải trình cần phải xem xét đến các điều kiện khách quan, chủ quan tác động đến hiệu quả việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đối tượng được yêu cầu trả lời chất vấn và giải trình, để từ đó các đại biểu HĐND đặt câu hỏi đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn và giải trình đúng vấn đề. Mỗi câu hỏi là một vấn đề được gợi mở, được tháo gỡ, đi đến cùng sự việc, chứ không “truy đến cùng” để mỗi câu hỏi trả lời là một phương án, một kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết một cách trọn vẹn, không vòng vo, né tránh. Chỉ khi có sự hợp tác và thông suốt về mục đích của hoạt động chất vấn, giải trình thì HĐND và các cơ quan chịu sự giám sát của HĐND sẽ trở thành một khối thống nhất, cùng chung mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ. 

Kết thúc Hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ và chuyển giao đơn vị đăng cai Hội nghị giao ban thường trực HDND 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 3 năm 2018 tại tỉnh Thanh Hóa.

www.thuathienhue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 59.698
Truy cập hiện tại 17